Không kiếm được tiền là một nhẽ nhưng làm mất tiền của người ủy thác thì nghiệp trader có lẽ sẽ không còn dài.
“Dấn thân” vào thị trường chứng khoán, ngoại hối, vàng và mang một nghề gọi là “trader”, các trader phải chịu rất nhiều áp lực. Áp lực đương nhiên là kiếm tiền, bởi vì họ không chỉ đầu tư trên phần vốn của họ, mà còn đang nhận ủy thác đầu tư của nhiều người khác nhưng áp lực lớn nhất là bảo toàn vốn. Không kiếm được tiền là một nhẽ nhưng làm mất tiền của người ủy thác thì nghiệp trader có lẽ sẽ không còn dài…
Do đó, một trong những quy tắc vàng của dân đầu tư là “Thà mất mặt chứ đừng để mất tiền” – một quy tắc đã được một trader chuyên nghiệp đúc kết sau những năm chinh chiến. Những quy tắc này cũng ứng dụng cao với các nhà đầu tư bình thường.
Quy tắc 1: Nghiên cứu
Nghiên cứu cho thật kỹ, rồi hãy trade. Đừng trade xong rồi mới nghiên cứu. Những người mới trade thấy hào hứng khi nhập cuộc chơi hơn là ngồi ngoài quan sát, học hỏi. Và tâm lý của người trong cuộc là ai cũng muốn thắng, ai cũng nghĩ rằng mình sẽ thắng nhưng ít ai chịu suy nghĩ làm sao để thắng.
Quy tắc 2: Cắt lỗ và chấp nhận thắng thua một cách bình thường
Bạn đã sai khi mua cổ phiếu đó. Nếu đã sai thì tại sao bạn còn muốn sai thêm nữa?
Cắt lỗ là hành động cần thiết để giữ vốn và cũng là một việc làm cực kỳ khó khăn của traders. Không ai muốn thua, nhưng muốn thành công trong trading thì phải chấp nhận rằng THUA là một điều phải có. Điều mình có thể làm khi thua là giảm bớt nó đi.
Thị trường không biết bạn đang thua. Xu hướng thị trường (lên hay xuống) được quyết định bởi suy nghĩ của tất cả những người trong cuộc chơi. Chừng nào họ thay đổi suy nghĩ về thị trường hiện tại thì hướng đi của giá mới thay đổi theo, bằng không, nó vẫn sẽ đi theo hướng đi hiện tại. Không thể nào tiên đoán được khi nào người ta sẽ thay đổi cái nhìn về thị trường, và giá sẽ thay đổi theo. Vì thế lệnh “dừng lỗ” là phương pháp tự bảo vệ mình.
Là một trader, bạn cũng như một người lính ra trận. Không thể nào tránh khỏi bị thương. Vấn đề chỉ là lúc này hay lúc khác. Người không bị tình cảm chi phối thường là người có nhiều cơ hội thắng hơn. Muốn làm được việc này thì chuyện đầu tiên là trade theo khả năng tài chính của mình. Vào cuộc chơi đừng vội nghĩ mình sẽ thắng mà hãy nghĩ đến rủi ro trước. Tự hỏi mình nếu thua thì sao, để mà chuẩn bị tinh thần và phương án dự phòng.
Quy tắc 3: Kỷ luật
Rất nhiều lần tôi bỏ mất cơ hội để thắng vì cổ phiếu đó không có đưa ra đủ tín hiệu mà tôi muốn. Những lúc đó, nó khiến tôi đặt một câu hỏi lớn đầy hoài nghi về phương pháp của mình.
Cũng rất nhiều lần tôi bỏ qua nguyên tắc để giao dịch theo cái mình thích, trade theo cảm tính. Nhưng cuối cùng, tôi thấy chỉ có kỷ luật mới là cách thức đem lại cho tôi nhiều thành công nhất.
Quy tắc 4: Thành, Bại trong trading không phải là nhờ dự báo đúng thị trường mà là do “Thua ít, lời nhiều”
Có nhiều người cho rằng thành công trong trading là dự báo đúng xu hướng của thị trường. Tất nhiên đó là điều tiên quyết và đúng nhất. Nhưng có mấy ai luôn dự đoán đúng?
Chúng ta tham gia vào thị trường với mức lỗ thấp hơn mức lời – Đó mới là chân lý trong trading. Có thể thua 5 đồng cho mỗi giao dịch, nhưng gỡ lại 7 đồng cho giao dịch sau đó thì kết quả cuối cùng là chúng ta đã thắng. Bởi thế sự thành bại của giao dịch không quan trọng bằng số tiền lời của từng lần. Bạn có thể thua 9 trong 10 lần giao dịch, mỗi lần thua 1 đồng, nhưng giao dịch cuối cùng bạn lời được 10 đồng. Bạn chọn cái nào?
Quy tắc 5: Bạn có bao giờ bị lỗ trong trading chưa? Nếu có, hãy quên nó đi. Bạn đã bao giờ có lời trong trading chưa? Nếu có, hãy quên nó còn nhanh hơn nữa.
Traders không có thời giờ ngồi liếm “vết thương lòng” hay vuốt ve tự ái cá nhân. Bạn nên nhớ rằng tiền vào hay tiền ra là luật tự nhiên của nghề. Công việc chính của bạn là giữ tiền vào nhiều hơn để tiền chạy ra. Đừng buồn khi bị thua, mà cũng đừng mừng khi thắng. Buồn khi thua sẽ làm bạn khó gỡ. Vui khi thắng dễ làm bạn mua thua. Chân lý của trading là thế đấy.
Quy tắc 6: Thà mất mặt chứ đừng để mất tiền
Traders không có sĩ diện. Nhiều người mua một cổ phiếu, nhận ra rằng đó là sai, nhưng vẫn quyết định ngồi lỳ trong đó cho đến khi mình thắng. Họ nhất quyết không chấp nhận thua. Họ trọng sĩ diện của mình hơn túi tiền. Đây là một phản ứng rất bình thường của con người. Muốn thành công trong thế giới trading này, người traders phải làm ngược lại. Họ không cần biết sĩ diện, chỉ cần biết là nếu sai là cut loss liền. Sai trong market là một chuyện đương nhiên. Không sai mới là lạ. Tuy nhiên, traders nên phân biệt giữa “sĩ diện” và “ kiên nhẫn chờ đợi”. Nếu sau khi mua, thấy xu hướng hoàn toàn đi ngược lối mình suy luận, tin tức và cường độ của giá… làm cho mình biết rằng đã sai thì đó là lúc nên bỏ chạy. Còn nếu đã mua nhưng những lúc đầu tiên, giá cổ phiếu chưa hoàn toàn đi theo hướng mình mong muốn, và khoản lỗ nằm trong giới hạn chịu đựng và thị trường cũng chưa có một hướng đi dứt khoát thì rất có thể khoản đầu tư của mình cần chút kiên nhẫn. Khả năng phân biệt 2 khái niệm này tùy thuộc vào kinh nghiệm cá nhân và sự nhạy bén về thị trường của từng người